Saturday, 20/04/2024 - 14:16|
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRƯỜNG MẦM NON HƯƠNG VĨ
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Biện pháp giáo dục kĩ năng đảm bảo an toàn phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ lớp 5-6 Tuổi

PHẦN A. ĐẶT VẤN ĐỀ

Tai nạn thương tích là nguyên nhân chính gây tử vong và tàn tật ở trẻ em. Tai nạn thương tích có thể xảy ra mọi lúc mọi nơi, khó lường và gây ra những tổn thương trên cơ thể người. Trẻ lứa tuổi mầm non dễ bị tai nạn thương tích hơn so với lứa tuổi khác vì ở lứa tuổi này các con thường rất hiếu động, tò mò, thích khám phá thế giới xung quanh, tuy nhiên khả năng tự bảo vệ bản thân của trẻ trước những mối nguy hiểm gần như chưa được hình thành. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ em như : Sự chủ quan, bất cẩn của người lớn, môi trường không đảm bảo an toàn … trong đó một nguyên nhân sâu xa cần được nói đến chính là năng lực nhận biết và ứng phó của trẻ với những mối nguy hiểm xung quanh vẫn con rất hạn chế. Chính vì vậy, việc giáo dục trẻ những kỹ năng cần thiết để nhận diện, ứng phó hiệu quả với những mối nguy hiểm và đảm bảo an toàn cho bản thân là nhiệm vụ hàng đầu tôi đặt ra trong năm học này.

 Thực hiện chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, năm học 2020-2021 tôi đã đăng kí với nhà trường thực hiện điểm “Lớp học an toàn, thân thiện, cô đổi mới sáng tạo, trẻ tích cực học tập”  và năm học 2021 – 2022 đăng ký nội dung xây dựng mô hình điểm Lớp học xanh- an toàn- thân thiện ”, mục tiêu hướng tới xây dựng lớp học hạnh phúc với nội dung yêu thương, an toàn, tôn trọng.

Xuất phát từ mong muốn thực hiện 2 nhiệm vụ trên đó tôi đã nghiên cứu, áp dụng vào thực tế và tìm ra “ Biện pháp giáo dục kĩ năng đảm bảo an toàn phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ lớp 5-6 Tuổi A2 trường Mầm non Hương Vỹ”

PHẦN B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

1. Thực trạng

1.1. Ưu điểm:

Trường mầm non Hương Vỹ có khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, sạch sẽ, có cây xanh bóng mát, đầy đủ các trang  thiết bị phục vụ cho hoạt động vui chơi, học tập của trẻ. Trong những năm gần đây nhà trường liên tục làm điểm của huyện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, năm học 2020- 2021 làm điểm mô hình xây dựng trường học “Xanh – an toàn – thân thiên” do vậy đã ứng tốt điều kiện cho giáo viên tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ.

Công tác bồi dưỡng chuyên môn được nhà trường quan tâm, đặc biệt về kiến thức, kỹ năng trong việc xử trí các tai nạn thương tích thường gặp trong trường mầm non. Năm 2021 nhà trường đã mời bác sĩ Nguyễn Phùng Hưng, bác sĩ bệnh viện Nội tiết Trung ương về tập huấn nội dung “ Phát hiện, xử trí sơ cứu ban đầu những tai nạn thương tích thường gặp của trẻ trong trường mầm non và cách phòng tránh” cho 100% giáo viên, nhân viên nhà trường tham gia.

Thời đại công nghệ số phát triển nên việc khai thác nguồn tài liệu về giáo dục kĩ năng đảm bảo an toàn, phòng tránh tai nạn thương tích phong phú dễ tìm, dễ tải lấy làm nguồn tư liệu thực hiện thường xuyên cho giáo viên và phụ huynh.

Bản thân tôi là giáo viên giảng dạy lâu năm, cơ bản đã có nhiều kinh nghiệm trọng việc tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ, đặc biệt tôi được nhà trường phân công giảng dạy lớp mẫu giáo 5-6 tuổi nên việc giáo dục và rèn các kỹ năng cho trẻ thuận lợi hơn so với trẻ các khối bé, trẻ tích cực hợp tác với cô và bạn khi tham gia hoạt động.

1.2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

1.2.1. Giáo viên

Lúng túng khi lựa chọn nội dung, thời điểm phù hợp giáo dục kĩ năng đảm bảo an toàn phòng tránh tai nạn thương tích hiệu quả

Kết quả tổ chức hoạt động rèn kĩ năng tự bảo vệ phòng tránh tai nạn thương tích chưa cao.

Nguyên nhân: Giáo viên chưa  linh hoạt trong hình thức lồng ghép giáo dục. Chưa bám sát vào điều kiện thực tế tại địa phương để lựa chọn nội dung phù hợp đưa vào các chủ đề. Chưa khai thác triệt để các tình huống có nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra tai nạn thương tích tại trường để giáo dục phát huy kĩ năng tự bảo vệ của trẻ.

1.2.2. Trẻ em

Trẻ lứa tuổi mầm non còn hiếu động, mải chơi chưa chú ý đến các điều kiện an toàn khi tham gia các hoạt động nhóm, hoạt động tập thể. Trẻ tò mò thích khám phá điều mới lạ nhưng chưa biết được đó là điều nguy hiểm (như ổ điện, trơn trượt, leo trèo,…)

1.2.3. Phụ huynh (cha mẹ/người chăm sóc trẻ)

Phụ huynh chưa hiểu hết về tầm quan trọng của việc giáo dục kĩ năng tự bảo vệ phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ.

Phụ huynh lúng túng khi phối hợp rèn kĩ năng tự bảo vệ phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ vì chưa có nguồn tài liệu phù hợp với từng nhóm kĩ năng tự bảo vệ để nghiên cứu, phối hợp giáo dục kĩ năng tự bảo vệ phù hợp lứa tuổi trẻ hiệu quả

Một số phụ huynh còn nuông chiều, chưa quan tâm dạy các kĩ năng đảm bảo an toàn cần thiết cho trẻ, còn làm thay trẻ; Một số phụ huynh đi làm công ty cả ngày, trẻ chủ yếu ở với ông bà nên việc phối hợp thực hiện rèn các kĩ năng đảm bảo an toàn phòng tránh tai nạn thương tích và thất lạc cho trẻ mọi lúc- mọi nơi gặp nhiều khó khăn;  Bên cạnh đó có một số phụ huynh ở nông thôn trình độ nhận thức còn hạn chế nhất định, nên chỉ nghĩ con em mình đến trường chỉ ca hát, các cô trông trẻ là chính.

          2. Biện pháp

2.1. Biện pháp 1: Giáo dục kĩ năng đảm bảo an toàn phòng tránh tai nạn thương tích thông qua các hoạt động trong ngày.

2.1.1. Nội dung biện pháp

Nội dung 1: Giáo dục kĩ năng đảm bảo an toàn thông qua hoạt động học

Nội dung 2: Giáo dục kĩ năng đảm bảo an toàn thông qua hoạt vui chơi

Nội dung 3: Giáo dục kĩ năng đảm bảo an toàn thông qua hoạt động trải nghiệm

2.1.2. Cách thức, quá trình áp dụng biện pháp

a. Nội dung 1: Giáo dục kỹ năng đảm bảo an toàn thông qua hoạt động học

 Nhằm cải tiến việc lồng ghép giáo dục kĩ năng đảm bảo an toàn phòng tránh tai nạn thương tích những năm học trước còn 1 số hạn chế: chưa quan tâm đến thời điểm giáo dục phù hợp, nội dung giáo dục bị lặp lại, chồng chéo dẫn cảm giác nhàm chán ở trẻ kết quả việc gáo dục trẻ không cao. Tôi đã tìm ra biện pháp cải tiến những hạn chế đó trong quá trình giáo dục kĩ năng đảm bảo an toàn phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ bằng cách: lựa chọn nhóm kĩ năng đảm bảo an toàn phòng tránh tai nạn thương tích phù hợp nhất với thời điểm giáo dục trong ngày để giáo dục trẻ.

Hoạt động học là thời điểm tôi lựa chọn lồng ghép nhóm kĩ năng đảm bảo an toàn phòng tránh điện giật, bỏng, động vật cắn.

Quá trình áp dụng cụ thể: Tôi nhận thấy trong các hoạt động học khi cho trẻ khám phá, tìm hiểu về đồ dùng gia đình, thế giới động vật….sẽ có nhiều thời điểm phù hợp để giáo dục kĩ năng đảm bảo an toàn, phòng tránh điện giật, bỏng, động vật cắn. Mỗi hoạt động giáo viên cần nhanh nhạy lựa chọn thời điểm phù hợp nhất để hiệu quả giáo dục đạt tối ưu. 

VD: Trong hoạt động học tạo hình “ Cắt dán đồ dùng sử dụng điện trong gia đình”.

- Tôi nhận thấy trong hoạt đông tạo hình, thời gian cho trẻ thực hiện tạo sản phẩm chiếm phần lớn thời gian của hoạt động ( khoảng 17 phút), đây là “khoảng thời gian vàng” tôi có thể  dễ dàng tiếp cận giáo dục trực tiếp đến cá nhân hoặc nhóm trẻ. Khoảng thời gian này ngay cả trẻ nhút nhát khi được cô gần gũi giao tiếp trẻ cũng sẽ cở mở chia sẻ: Con cắt dán đồ dùng gì đây? Trong gia đình ai là người sử dụng phích nước nóng này? Tại sai con không tự ý sử dụng phích nước nóng? Con có tự ý cắm điện quạt không? Trong gia đình ai là người cắm điện các đồ dùng sử dụng điện?....Cách thức thực hiện đơn giản như vậy nhưng tôi có thể tiếp cận và giáo dục đến từng cá nhân trẻ 1 cách hiệu quả.

 

Description: C:\Users\T&N\Downloads\z3206678524591_e2165e53f9ac8fdaeae7fa6b8f17e886.jpg

Ảnh HĐ tạo hình: Cắt dán đồ dùng trong gia đình

         Đối với kỹ năng phòng tránh động vật cắn, thì việc lựa chọn đồ dùng dạy học phù hợp góp phần đáng kể giáo nâng cao kĩ năng đảm bảo an toàn, phòng tránh động vật cắn.

         Ví dụ cụ thể: Trong hoạt động Khám phá khoa học “ Con vật nuôi trong gia đình”.

- Chuẩn bị: Cải tiến việc tổ chức giáo dục trước đây, với hoạt động này tôi thường cho trẻ khám phá qua slide ảnh thiết kế trên PowerPoint nên việc lồng ghép giáo dục đảm bảo an toàn phòng tránh động vật cắn đạt hiệu quả chưa cao. Tôi nghĩ rằng, đây là những con vật gần gũi với cuộc sống hàng ngày của trẻ, với tính tò mò, trẻ có nhiều nguy cơ bị động vật cắn khi tiếp xúc với các con vật. Bởi vậy, trong hoạt động này tôi đã chuẩn bị đồ dùng dạy học là 3 lồng nuôi con vật: lồng nuôi mèo, lồng nuôi chó, lồng nuôi gà; Tôi quan tâm yếu tố an toàn của đồ dùng trước khi cho trẻ khi trẻ tiếp xúc với các con vật.

- Tổ chức thực hiện: Trước tiên, tôi quan tâm giáo dục kĩ năng đảm bảo an toàn khi tiếp xúc với các con vật. Tại sao cô để các con vật vào lồng? Khi quan sát, khám phá các con vật con cần chú ý điều gì? Điều gì sẽ xảy ra nếu con lại gần, trêu đùa con vật?...Sau đó tôi cho trẻ về nhóm để khám phá con vật. Trong quá trình trẻ khám phá, tôi quan sát kĩ năng tiếp xúc với từng con vật nuôi của trẻ, luôn động viên kịp thời trẻ có hành vi thân thiện với con vật nuôi, đảm bảo vị trí an toàn với con vật nuôi

Description: C:\Users\T&N\Downloads\z3214681133308_c81c5e9abbdb962d740409ec1fb48fab.jpg

 Ảnh trẻ khám phá con gà

=> Kết quả áp dụng thực tế cho thấy. Do kiến thức phòng tránh điện giật, bỏng, động vật cắn được lựa chọn giáo dục đúng thời điểm, tương tác với đồ dùng trực quan phù hợp nên trẻ tích cực chia sẻ, hứng thú tiếp nhận kiến thức. Giáo viên đạt mục tiêu giáo dục như mong muốn.

b. Nội dung 2: Giáo dục nhóm kĩ năng đảm bảo an toàn thông qua hoạt động vui chơi

 Tổ chức hoạt động góc đạt hiệu quả đòi hỏi giáo viên phải chuẩn bị đồ chơi đảm bảo đẹp, đa dạng theo chủ đề, bổ xung thường xuyên nguyên liệu sưu tầm của cô và trẻ. Các loại đồ chơi, nguồn nguyên liệu này có thể tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn với trẻ nếu không sử dụng đúng cách. Trong hoạt động góc dễ xảy ra nguy cơ mất an toàn với đồ dùng sắc nhọn, đồ chơi sáng tạo kích cỡ nhỏ… quá trình trẻ chơi xô đẩy nhau hoặc kéo ghế bạn gây ngã. Cách lấy đồ chơi trên giá như thế nào để đảm bảo an toàn? Bởi vậy khi tổ chức hoạt đông góc tôi luôn quan tâm giáo dục nhóm kĩ năng đảm bảo an toàn, phòng tránh vật sắc nhọn, hóc sặc, ngã.

Giai đoạn đầu năm tôi quan tâm giáo dục kĩ lưỡng cách sử dụng đồ dùng, cách chơi với đồ chơi an toàn, bao quát quá trình trẻ chơi để kịp thời sử lí tình huống có nguy cơ mất an toàn khi trẻ chơi.

Tôi đã tổ chức hiệu quả hoạt động chơi ở các góc theo hướng: “ Trẻ là người chủ động chơi và đánh giá bạn chơi an toàn”.

Áp dụng cụ thể: Mỗi góc chơi có bảng thành viên tham gia góc chơi đó, khi trẻ tham gia vào góc chơi sẽ gắn ảnh cá nhân mình lên bảng thành viên. Việc làm này giúp tôi dễ dàng quản lí số lượng trẻ ở góc chơi, trẻ sẽ chủ động di chuyển sang góc chơi khác khi thành viên góc chơi quá động. Giáo viên dễ dàng nắm bắt và có hướng xử lý phù hợp khi số lượng trẻ ở góc chơi quá đông hoặc quá ít có thể tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Tôi thống nhất với trẻ xây dựng nội quy giờ chơi góc, cùng trẻ nhắc nội quy đó trong mỗi buổi chơi để trẻ ghi nhớ và thực hiện. Tôi quan tâm bổ sung vào nội quy nội dung nhằm giúp trẻ nâng cao ý thức vui chơi an toàn với đồ chơi, với bạn. Nội quy giờ chơi góc như sau:

“Giờ chơi  đến rồi

Bạn ơi nhớ nhé

1. Lấy cất đồ chơi, đúng nơi quy định

2. Chia sẻ, đoàn kết

3. An toàn khi chơi

Xứng đáng nhận sao ngôi nhà hạnh phúc!”

         Việc ghi nhớ nội quy góc chơi góp phần giúp trẻ chủ động chơi đoàn kết, an toàn. Cuối buổi chơi, tôi tổ chức cho trẻ nhận xét kết quả buổi chơi. Tại thời điểm này trẻ lớp tôi có thể dựa vào nội quy góc chơi để nhận xét bạn đã thực hiện đúng nội quy giờ chơi góc hay chưa? Bạn thực hiện tốt nội quy giờ chơi góc sẽ được tặng sao trong ngôi nhà hanh phúc. Điều đặc biệt, buổi chơi góc cuối tuần tôi sẽ cho trẻ tổng hợp số sao mỗi trẻ nhận được. Trẻ nhận được nhiều sao sẽ được tuyên dương cuối tuần. Đây là niềm động viên lớn giúp trẻ lớp tôi tự chủ động thực hiện nội quy giờ chơi, luôn chơi đoàn kết- chia sẻ- an toàn.

         VD: Trong chủ đề “gia đình” tôi tổ chức cho trẻ chơi các trò chơi như:

         Góc phân vai: Gia đình tổ chức sinh nhật con trai, bán hàng tạp hóa

         Góc xây dựng: xây dựng nhà của bé

         Góc nghệ thuật: Làm thiếp, gói quà tặng sinh nhật, tập múa hát tặng sinh nhật bạn

         Góc khám phá:ghép tranh, giới thiệu về gia đình bé, trải nghiệm nhặt rau, quét nhà giúp mẹ…..

         - Khi trẻ thỏa thuận chơi, nhắc nội quy buổi chơi. Theo thực tế đồ dùng buổi chơi. Tôi hỏi trẻ: Trong buổi chơi hôm nay cần chú ý đảm bảo an toàn với đồ chơi nào? Trẻ nhanh mắt quan sát và nhanh chóng có rất nhiều ý kiến: Giữ khoảng cách an toàn khi sử dụng kéo và bút chì, khi cắt phải cẩn thận ạ! Khi sử dụng hột hạt phải lấy cất đúng nơi quy định, không làm vương vãi ạ?....Như vậy qua việc trẻ  kể được những đồ chơi, tình huống mất an toàn trẻ trẻ sẽ có ý thức tự bảo vệ giữ an toàn cho mình và cho bạn.

         - Quá trình trẻ chơi tôi quan sát, giáo dục cụ thể với từng trò chơi, đồ chơi:

         + Với đồ chơi nấu ăn: Giáo dục trẻ sử dụng dao, kéo, đũa, dĩa cẩn thận phòng dao cắt vào tay, đâm đũa thìa vào bạn. Khi nấu bếp ga cẩn thận bỏng…

         + Đồ chơi chơi xây dựng: Giáo dục không trèo lên giá để lấy đồ chơi, giá đồ chơi sẽ đổ vào người, xô bạn  khi xây dựng sẽ gây ngã.

         + Đồ chơi hột hạt, nguyên liệu sáng tạo, kéo, bút:  Giáo dục lấy cất hột hạt đúng nơi quy định, sử dụng kéo cẩn thận, cẩn thận khi đưa bút chì, kéo cho bạn phòng tránh kéo, bút chì đâm.

         - Cuối buổi chơi tôi lồng ghép nhận xét kĩ năng chơi an toàn. Các bạn ngày hôm nay tham gia chơi như thế nào? Trẻ có thể nhận xét ý thức tham gia chơi của các bạn. Tặng sao cho bạn có hành vi chơi tích cực.Với cách giáo dục linh hoạt, hoạt động góc lớp tôi tổ chức luôn đảm bảo an toàn, trẻ có kĩ năng lấy cất đồ dùng đồ chơi đúng nơi quy định.

Description: C:\Users\T&N\Downloads\z3206681998628_3e863b346471a2b83b6d1ac68002a454.jpg

 Ảnh trẻ chơi hoạt động góc

Tổ chức hoạt động ngoài trời: Với đặc điểm của trẻ mầm non thường hiếu động, thích thú khi được tiếp xúc với môi trường thiên nhiên đây là thời điểm có nhiều nguy cơ mất an toàn từ chính các loại đồ chơi ngoài trời nếu trẻ tham gia chơi không đúng cách. Thời điểm này tôi quan tâm giáo dục nhóm kĩ năng đảm bảo an toàn phòng tránh tai nạn từ thiết bị đồ chơi. Một số kĩ năng tôi đã giáo dục trẻ:

+ Đồ chơi cầu trượt: Lên xuống đúng lối cầu thang, ngồi giữa máng trượt để trượt xuống, chơi lần lượt, không xô đẩy.

+ Đồ chơi đu quay: Số lượng bạn ngồi đúng số ghế, không đu người lên thành vòng quay sẽ văng ra ngoài gây ngã, không quay quá nhanh gây chóng mặt. Không bước lên/ xuống khi đu quay chưa dừng hẳn.

+ Đồ chơi thang leo: Bám chắc các gióng thang khi leo. Không đùa nghịch  lôi kéo bạn khi chơi.

+ Tôi đã thay đổi hình thức giáo dục, tăng cường yếu tố trò chơi, tạo ra tình huống thực tế để giáo dục đã giúp trẻ dễ ghi nhớ và tiếp nhận kiến thức.

VD: Trong hoạt động ngoài trời “ quan sát cầu trượt”. Khi ra ngoài vườn trường tôi nhắc trẻ biết tham gia hoạt động trong bóng mát, trẻ đưa ra ý kiến cá nhân về vị trí quan sát phù hợp; Khi quan sát đồ chơi cầu trượt ngoài tổ chức cho trẻ quan sát, sờ, kể về những gì bé quan sát được tôi lồng ghép kĩ năng đảm bảo an toàn phòng tránh tai nạn thương tích bằng cách:  đồ chơi cầu trượt tôi có thể tạo ra tình huống để giáo dục kĩ năng đảm bảo an toàn, phòng tránh tai nạn thương tích thông qua trò chơi “ Thi xem ai nhanh”. Cách chơi: 2 bạn chơi giúp cô tìm vị trí đầu tiên có thể ngồi tham gia chơi cầu trượt, chú ý đảm bảo an toàn khi chơi. Để có tình huống giáo dục xảy ra. Nắm bắt đặc điểm cá nhân trẻ. Tôi đã lựa chon 2 bạn chơi nhanh nhẹn, thường có cách chơi mới với trò chơi tham gia vào trò chơi . Tình huống xảy ra: Bạn Minh nhanh chân đi lên điểm ngồi máng trượt qua các bậc lên xuống. Bạn Khanh thấy vậy, chạy ngược máng trượt lên điểm ngồi trượt xuống và đã lên trước bạn Minh. Tôi đạt câu hỏi cho trẻ : “Theo các con bạn nào đã thực hiện đúng yêu cầu của cô?” Trẻ đưa ra các ý kiến khác nhau: “Bạn Khanh đã tìm thấy điểm đầu tiên để ngồi chơi máng trượt trước ạ!”, “Bạn Khanh đã đi ngược máng trượt lên, có thể bị ngã, không đảm bảo an toàn ạ!”.... Tôi tiếp tục đặt câu hỏi với trẻ: “Nếu là con, con sẽ thực hiện theo cách của bạn nào? Tại sao?” Thông qua nắm bắt khả năng của trẻ tôi tôi kịp thời động viên và chỉ ra những hành vi đảm bảo an toàn khi chơi đồ chơi cùng bạn. Tham gia chơi đồ chơi đúng cách, đi theo bậc cầu thang lên xuống, ngồi giữ máng trượt và trượt xuống. Mỗi lần chỉ 1 bạn chơi. Biết chờ đến lượt, bạn trượt xong mình sẽ tham gia chơi, không xô đẩy sẽ bị ngã. Chú ý không chạy ngược máng trượt vì máng trượt trơn có thể bị ngã hoặc có thể bị va vào bạn đang trượt từ trên xuống, rất nguy hiểm.

 Khi chơi các trò chơi tự chọn tôi luôn nhắc nhở trẻ biết nghỉ khi thấy mệt, không chạy nhanh, không xô đẩy, tranh giành đồ chơi với bạn... Các kĩ năng hoạt động với đồ chơi an toàn của trẻ được tôi quan sát, động viên, nhắc nhở xuyên suốt thời gian hoạt động. Bởi vậy trẻ lớp tôi luôn chơi đoàn kết, an toàn trong các hoạt động ngoài trời.

Description: C:\Users\T&N\Downloads\z3196884692751_b5addf8698d07e39dbaa14be798e76f2.jpg

 Ảnh trẻ trải nghiệm chơi cầu trượt đúng cách

c. Nội dung 3: Giáo dục nhóm kĩ năng đảm bảo an toàn thông qua hoạt động trải nghiệm.

Hoạt động trải nghiệm thực tế là cơ hội trẻ được tiếp cận, tham gia xử lý các tình huống thật diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Tôi đã tăng cường rèn nhóm kĩ năng đảm bảo an toàn giao thông, phòng tránh đuối nước cho trẻ. Cụ thể như sau:

+ Giáo dục đảm bảo an toàn giao thông: Đi đúng phần đường, làn đường, không tự ý sang đường, không đá bóng, đùa nghịch trên lòng đường…. Thực hiện các hành động an toàn: khi đi trên đường (đi thong thả, thận trọng, không đùa nghịch, không chạy); ngồi trên ghế, ngồi trên xe máy, ngồi trong ô tô (không nghịch ngợm, đứng lên ngồi xuống,…..Đội mũ bảo hiểm đúng cách.

+ Giáo dục phòng tránh đuối nước: Không chơi gần ao, hồ. Không với, đùa nghịch các bể, chậu nước khi không có người lớn. Thực hành mặc áo phao.

VD: Trong chủ đề giao thông: Nhằm giáo dục kĩ năng đảm bảo an toàn khi trẻ đi đến trường, an toàn tại cổng trường, tham gia giao thông đúng luật lệ an toàn giao thông. Tôi tổ chức hoạt động trải nghiệm “ Bé tham gia giao thông an toàn”

- Mục tiêu của hoạt động này: Trẻ biết những hành vi giao thông thường xảy ra tại cổng trường. Thực hành đội mũ bảo hiểm, đi đường, sang đường đúng quy định giao thông.

- Chuẩn bị: Để tổ chức hoạt động tôi đã chuẩn bị không gian cổng trường an toàn giao thông, mô hình ngã tư đường phố, mũ bảo hiểm của trẻ, các PTGT đồ chơi (xe 3 bánh, xe đạp, xe máy, ô tô)

- Tổ chức thực hiện: Quá trình tổ chức hoạt động tôi giúp trẻ tìm hiểu: “Con hãy kể lại con đã tham gia giao thông như thế nào tại cổng trường? Ở cổng trường có thể xảy ra tình huống nào gây tai nạn giao thông? Con sẽ làm gì để đảm bảo an toàn giao thông khi bố mẹ đưa đến trường? Trải nghiệm thực tế: Thực hành đội mũ bảo hiểm đúng cách? Trải nghiệm đi đường, sang trường trong mô hình hình giao thông vườn trường.

Description: C:\Users\T&N\Downloads\z3214541819853_59a41b9cff20fb839761366e9754fa30.jpg

Ảnh mô hình trải nghiệm cổng trường an toàn giao thông

         Tổ chức các hoạt đông tham quan, dã ngoại là điều kiện thuận lợi giáo dục đảm bảo an toàn phù hợp điều kiện sống tại địa phương

Với điều kiện thực tế tại địa phương, trường mầm non Hương Vỹ nằm cạnh di tích lịch sử đình Hương Vỹ, cánh đồng với nhiều cây hoa màu luôn xanh tốt, trường tiểu học Hương Vỹ, đường làng sạch sẽ….. Tôi thường xuyên tổ chức cho trẻ tham quan, dã ngoại, dạo chơi với môi trường thiên nhiên, chăm sóc khu di tích lịch sử đình Hương Vỹ.  Để đảm bảo an toàn cho trẻ tôi dạy trẻ kĩ năng đảm bảo an toàn giao thông, phòng tránh đuối nước, phòng tránh thất lạc….

Quá trình áp dụng cụ thể: Hoạt động “ Tham quan đình Hương Vỹ”.

- Trước khi tham gia hoạt động tham quan, dã ngoại. Tôi thực hiện tốt việc điểm danh. Giáo dục trẻ hành vi đảm bảo an toàn khi ra khỏi trường như: Luôn đi sát cô và bạn, đi lề bên phải, đi theo hàng khi đi ra đường, không lại gần ao hồ….

- Khi đến địa điểm tham quan, dã ngoại tôi bố trí vị trí hoạt động  trong phạm vi nhất định, đảm bảo thuận tiện bao quát suốt quá trình trẻ hoạt động. Giáo dục trẻ quan tâm đến bạn bè. Được rèn luyện thường xuyên, trẻ lớp tôi luôn thực hiện đúng quy định an toàn khi đi tham quan dã ngoại.

Description: C:\Users\T&N\Downloads\z3196884699098_19cebd306614add6c3b9c27cde885af9.jpg

 Ảnh trẻ tham quan Đình Hương Vỹ

         Thông qua việc tổ chức hoạt động trải nghiệm, rèn kĩ năng sống đúng thời điểm, phù hợp tình hình thực tế tại lớp học, địa phương đã giúp trẻ tiếp thu kiến thức nhanh, được rèn luyện thường xuyên để hình thành kĩ năng  tự đảm bảo an toàn cho bản thân

2.2.3. Kết quả áp dụng biện pháp:

Các kĩ năng đảm bảo an toàn phòng tránh tai nạn thương tích được tôi cung cấp kiến thức, kĩ năng phù hợp đối tượng trẻ, tình hình thực tế tại lớp, địa phương. Thường xuyên thay đổi hình thức giáo dục, rèn luyện trẻ. Thời điểm tổ chức linh hoạt trong ngày đã giúp các kĩ năng đảm bảo an toàn của trẻ lớp tôi được trẻ đón nhận thoải mái và nhanh chóng  hình thành kĩ năng theo mục tiêu mà tôi xây dựng.

         Cụ thể:

 

Nội dung

Số lượng trẻ

Trước khi áp dụng

Sau khi áp dụng

Ghi chú

Số trẻ đạt

Tỉ lệ%

Số trẻ đạt

Tỉ lệ%

Trẻ có kĩ năng đảm bảo an toàn phòng điện giật, bỏng, động vật cắn

32

24

75

32

100

Tăng

25%

Trẻ có kĩ năng đảm bảo an toàn phòng tránh vật sắc nhọn, hóc sặc

32

23

71,9

32

100

Tăng

28,1%

Trẻ có kĩ năng đảm bảo an toàn phòng tránh tai nạn từ thiết bị đồ chơi

32

23

71,9

32

100

Tăng

28,1%

Trẻ có kĩ năng đảm bảo an toàn phòng tránh tai nạn giao thông, đuối nước

32

21

65,6

30

93,8

Tăng

28,2%

2.2. Biện pháp 2: Dạy trẻ phát hiện, khắc phục nguy cơ mất an toàn

2.2.1. Nội dung biện pháp

Nội dung 1: Dạy trẻ phát hiện nguy cơ mất an toàn.

Nội dung 2: Dạy trẻ xử lý tình huống có nguy cơ mất an toàn.

2.2.2. Cách thức, quá trình áp dụng biện pháp

a. Nội dung 1: Dạy trẻ phát hiện nguy cơ mất an toàn

Nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục kĩ năng đảm bảo an toàn phòng tránh tai nạn thương tích. Tôi quan tâm dạy trẻ cách phát hiện 1 số nguy cơ mất an toàn bằng cách cho trẻ tìm hiểu:

+ Những nơi nguy hiểm: Trong nhà bếp, nhà vệ sinh, hành lang, cầu thang, ban công, đường giao thông, ao hồ, sân chơi trơn trượt…..

+ Những đồ vật nguy hiểm: Dao, kéo, bật lửa, cốc thủy tinh, phích nước, ổ điện, đồ chơi han gỉ mất ốc….

+ Những việc làm nguy hiểm: leo trèo, xô đẩy, chạy khi cầm vật sắc nhọn hoặc ngậm đồ vật trong miệng, chơi gần ao hồ- đường giao thông, chọc vào ổ điện, cắn dây điện, nghịch dao sắc nhọn, chơi các thiết bị đồ chơi không đúng cách; trêu chó, mèo, trọc phá đàn ong….

Hình thức: Thông qua quan sát thực tế hoặc tổ chức các hoạt động rèn kĩ năng sống

Áp dụng cụ thể: Trong hoạt động rèn kĩ năng sống “ An toàn cho bé” tôi đã xây dựng mục tiêu cụ thể: Trẻ biết các khu vựa an toàn, không an toàn trong trường lớp; Trẻ biết 1 số đồ dùng, việc làm có thể gây nguy hiểm với bản thân và bạn.

Thực hiện: Tôi đã sử dụng hệ thống hình ảnh trực quan, video ghi lại hành vi trực tiếp tại trường, lớp của trẻ để tổ chức cho trẻ tìm hiểu: Theo con trong trường những nơi nào có thể gây nguy hiểm? Những đồ vật có thể gây nguy hiểm cho con đó là gì? Việc làm nào sẽ gây nguy hiểm?....

Với các hoạt động rèn kĩ năng sống gần gũi giúp trẻ lớp tôi biết tránh xa những nơi nguy hiểm, không làm những việc gây nguy hiểm cho mình và cho bạn

 Ảnh trẻ chơi trò chơi tìm đồ vật có thể gây nguy hiểm tại lớp.

b. Nội dung 2: Dạy trẻ xử lýn guy cơ mất an toàn

         Trong thực tế tại trường mầm non xảy ra rất nhiều nguy cơ chủ quan, khách quan gây mất an toàn đối với trẻ; Tôi đã dạy trẻ phản xạ nhạy bén tránh xảy ra nguy cơ mất an toàn:

         + Khi thấy sân, nền nhà trơn trượt sẽ dừng lại

         + Khi tham gia hoạt động nhóm chơi, cả lớp không xô đẩy, đùa chạy khi đi cầu thang, hành lang….

         + Khi muốn sử dụng thiết bị điện hãy nhờ người lớn giúp

         + Tuyệt đối không ăn, uống khi thức ăn còn nóng

         + Không trêu trọc con vật có thể gây nguy hiểm: chó, mèo, ong…

         + Không chơi đồ chơi bị mất ốc, han gỉ

         + Không chơi cạnh ao hồ, đường giao thông

Tôi đã khai thác những tình huống thực tế đó để giáo dục cá nhân, nhóm trẻ hoặc cả lớp về hành vi tích cực nhằm đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó khai thác kiến thức trẻ đã tích lũy, cách xử lý tình huống nhạy bén, tích cực từ phía trẻ.

Áp dụng cụ thể: Khi tổ chức cho trẻ tham gia hoạt động ngoài trời “ quan sát cây hoa hồng”. Tình huống xảy ra: có rất nhiều những chú ong bay đến vườn hoa hút mật. Tôi quan sát học sinh và nhận thấy: Trẻ đã biết im lặng, không lại gần các chú ong.

Cách xử lý tình huống: Trước tình huống đó, tôi đã ra tín hiệu cho trẻ lùi ra xa khỏi vườn hoa. Trao đổi với trẻ: “ Con đã quan sát thấy điều thú vị gì xảy ra trên vườn hoa? Khi thấy bầy ong bay đến vườn hoa hút mật chúng ta nên làm gì? Tại sao cô thấy các con im lặng? Để đảm bảo an toàn trong tình huống này là gì?” Sau khi lắng ý kiến, hiểu biết của trẻ. Tôi tổng hợp lại và giáo dục trẻ: Để đảm bảo an toàn không bị ong đốt. Con hãy im lặng và nhẹ nhàng tránh xa đàn ong để đảm bảo an toàn. Nếu trọc phá, ngay lập tức đàn ong sẽ bay đến đốt con. Sau đó tôi mời trẻ cùng đến 1 khóm hoa khác để cùng quan sát.

Description: C:\Users\T&N\Downloads\z3196884695640_c952740ed6af81dd156a1b870989b328.jpg

 Hình ảnh HĐ ngoài trời: Quan sát cây hoa hồng

         2.2.3. Kết quả áp dụng biện pháp:

Thông qua việc dạy trẻ kiến thức, khai thác cách trẻ xử lý các tình huống xảy ra trong trường mầm non. Tôi nhận thấy với các tình huống có nguy cơ mất an toàn dễ xảy ra thường ngày trẻ lớp tôi nhận định nhạnh nhạy nguy cơ mất an toàn. Trẻ mạnh dạn, tự tin đưa ra ý kiến cá nhân hợp lý và tham gia  xử lý tình huống tốt.

Cụ thể:

 

Nội dung

Số lượng trẻ

Trước khi áp dụng

Sau khi áp dụng

Ghi chú

Số trẻ đạt

Tỉ lệ%

Số trẻ đạt

Tỉ lệ%

Nhận diện nguy cơ mất an toàn

32

24

75

32

100

Tăng

25%

Chủ động phòng tránh nguy cơ mất an toàn

32

21

65,6

30

93,8

Tăng

28,2%

Khả năng xử lý tình huống mất an toàn

32

23

71,2

30

93,8

Tăng

22,6%

Nhắc nhở, giúp đỡ bạn khi gặp tình huống mất an toàn.

32

21

65,6

31

96,9

Tăng

31,3%

2.3. Biện pháp 3: Tuyên truyền, phối hợp phụ huynh rèn trẻ kĩ năng đảm bảo an toàn, phòng tránh tai nạn thương tích

2.3.1. Nội dung biện pháp

Nội dung 1: Lựa chọn nội dung cần tuyên truyền, nguồn tài liệu phù hợp.

Nội dung 2: Tư vấn các hình thức giáo dục phù hợp góp phần nâng cao hiệu quả rèn trẻ mọi lúc mọi nơi từ phía phụ huynh.

Nội dung 3: Kết hợp các hình thức tuyên truyền để nâng cao hiệu quả.

2.3.2. Cách thức, quá trình áp dụng biện pháp

a. Nội dung 1: Lựa chọn nội dung cần tuyên truyền, nguồn tài liệu phù hợp.

Cải tiến nội dung tuyên truyền rèn kĩ năng đảm bảo an toàn đến các bậc cha mẹ còn ít, chưa quan tâm cung cấp tài liệu phù hợp, dễ hiểu, dễ thực hiện. Tôi đã nghiên cứu, lựa chọn nội dung giáo dục kĩ năng đảm bảo an toàn, phòng tránh tai nạn thương tích có thể lồng ghép giáo dục trẻ tại nhà. Cung cấp nguồn tài liệu phù hợp. Nguồn tài liệu có thể là bài viết, hình ảnh, video, thông tin tại trường, lớp…. về các kĩ năng giáo dục đảm bảo an toàn phòng tránh tai nạn thương tích đang thực hiện trên lớp. Tôi tuyên truyền phụ huynh nghiên cứu tài liệu để hiểu về nội dung cô cần phối hợp thực hiện là gì? Việc làm cụ thể của của phụ huynh cùng giáo dục trẻ ở nhà.

VD: Trong chủ đề “giao thông”. Tôi cung cấp cho phụ huynh thông tin ATGT tại cổng trường, hình ảnh, bài viết hướng dẫn phụ huynh cùng cho trẻ thực hành qua đường, đi đường, ngồi trên xe máy an toàn, phần đường đỗ xe, làn đường từng khối lớp; Khuyến khích phụ huynh ghi lại những hình ảnh tham gia giao thông an toàn của bé gửi lại nhóm lớp

 

Description: C:\Users\T&N\Downloads\z3209435193560_39f528b8ab3b9e6aa02a72230d2e1997.jpg

Ảnh cổng trường đảm bảo an toàn giao thông

Description: C:\Users\T&N\Downloads\z3209435177811_522d63c837652065989c56561df0654d.jpg

Ảnh trẻ nhắc mẹ để xe đúng nơi quy định ở cổng trường

b. Nội dung 2: Tư vấn các hình thức giáo dục phù hợp góp phần nâng cao hiệu quả rèn trẻ mọi lúc mọi nơi từ phía phụ huynh.

Tư vấn phụ huynh 1 số kĩ năng giáo dục kĩ năng đảm bảo an toàn phòng tránh tai nạn thương tích có thể lồng ghép trong các hành vi giao tiếp giữa trẻ với người thân trong gia đình

Phụ huynh là tấm gương hành vi chuẩn mực về kĩ năng đảm bảo an toàn để trẻ học tập. Ví dụ: Tại gia đình để đảm bảo an toàn phòng tránh điện giật. Phụ huynh luôn quan tâm sử dụng đúng chức năng của từng tồ dùng điện, chỉ cho trẻ biết từng đồ dùng con có thể sử dụng? Đồ dùng nào con cần sự giúp đỡ của người lớn? Những nguy hiểm có thể xảy ra?....Phụ huynh quan tâm tâm quan sát hành vi của trẻ, kịp thời uốn nắn, giải thích để trẻ thực hiện và rèn luyện thành kĩ năng

Description: C:\Users\T&N\Downloads\z3206819395272_e4e3593602dc177d42811f5a35465d66.jpgDescription: C:\Users\T&N\Downloads\z3206819390792_e7c63c54e49ebdaba56d7fff144dcabc.jpg

Hình ảnh tài liệu gửi về gia đình trẻ

Phụ huynh tạo mối liên kết với bạn bè cho trẻ khi ở gia đình. Bố mẹ cố gắng dành thời gian cho con, làm bạn với con học tập, vui chơi. Tôi dẫn dắt bằng những minh chứng rõ dàng để phụ huynh dễ hiểu và thực hiện. Khi cùng con chơi chạy chong chóng phụ huynh có thể giáo dục trẻ khi chạy phải chú ý quan sát xung quanh, không nên gắng sức chạy quá nhanh có thể bị ngã, chảy máu. Khi hướng dẫn con giúp mẹ làm việc nhà phụ huynh có thể hướng dẫn trẻ cách để đồ dùng cẩn thận. Không tự ý sờ phích nước nóng, khi cần sử dụng nhờ sự giúp đỡ của ông bà, bố mẹ, leo trèo lên bàn, ghế cao có thể bị ngã….Phụ huynh chụp lại những hành vi tích cực của trẻ gửi lại nhóm lớp

          c. Nội dung 3: Kết hợp các hình thức tuyên truyền để nâng cao hiệu quả.

Qua các hình thức truyền thống nhưng vô cùng hiệu quả như: góc tuyên truyền, trao đổi trực tiếp giờ đón trả trẻ, các cuộc họp phụ huynh. Đặc biệt  trong năm học này tôi đã khai thác hiệu quả hoạt động của  nhóm zalo. Với sự tham gia của 100% phụ huynh. Nhóm hoạt động tích cực cả 2 chiều phụ huynh và giáo viên. Phụ huynh phản hồi tích cực về nội dung kĩ năng đảm bảo an toàn cô muốn trao đổi. Qua nhóm zalo tôi đã cung cấp thường xuyên đến phụ huynh hình ảnh, video kèm theo lời đánh giá, hướng dẫn phụ huynh phối hợp cùng rèn trẻ các kĩ năng đảm bảo an toàn cho trẻ.

          2.3.3. Kết quả áp dụng biện pháp:

          Với từng nội dung tuyên truyền đều được tôi lựa chọ nội dung, cung cấp nguông tài liệu và tư vấn hình thức tuyên truyền phù hợp. Hiệu quả công tác tuyên truyền của lớp tôi được nâng lên rõ rệt

Cụ thể: Tôi khảo sát 32/32 phụ huynh của lớp:

Nội dung

Trước khi áp dụng

Sau khi áp dụng

Chưa hiểu

Đã hiểu và áp dụng

Chưa hiểu

Đã hiểu và áp dụng

Số lượng

Tỉ lệ %

Số lượng

Tỉ lệ %

Số lượng

Tỉ lệ %

Số lượng

Tỉ lệ %

Hiểu biết về giáo dục kĩ năng đảm bảo an toàn, phòng tránh tai nạn thương tích

10/32

31,2

22/32

68,8

0

6,3

32/32

100

Áp dụng hình thức giáo dục phù hợp vào giáo dục trẻ

11/32

34,4

21/32

65,6

0

6,3

32/32

100

=> Từ khi áp dụng các biện pháp giáo trên cùng với sự cố gắng nỗ lực của bản thân, sự đồng thuận hợp tác của tập thể sư phạm, sự ủng hộ tích cực của các bậc cha mẹ, sự hợp tác tích cực tham gia các hoạt động của trẻ đã giúp  hiệu quả việc giáo dục kĩ năng đảm bảo an toàn phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ lớp 5-6 tuổi A2, trường MN Hương Vỹ nâng lên rõ rệt. Trong năm học 100% trẻ lớp tôi được đảm bảo an toàn, không xảy ra tai nạn thương tích khi học tập, vui chơi. Lớp học luôn tràn ngập yêu thương- chia sẻ. Đây là tiêu chí quan trọng giúp lớp tôi được đánh giá tốt khi xây dựng lớp điểm “ lớp học hạnh phúc” tại trường MN Hương Vỹ.

PHẦN C: MINH CHỨNG THỰC HIỆN HIỆU QUẢ BIỆN PHÁP

1. Kế hoạch số 191/KH-TMN ngày 25/9/2020, Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học 2020 – 2021 mục 9, trang 20 nội dung “Xây dựng trường mầm non an toàn thân thiện, cô đổi mới sáng tạo, trẻ tích cực học tập”.

2. Kế hoạch số 175/KH-TMN ngày 20/9/2021, Kế hoạch thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021 – 2025: Phần 3, phần 5 Mục IV

3. Kế hoạch số 181/KH- TrMN ngày 23/9/2021 Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học 2020-2021 nội dung nhiệm vụ trọng tâm xây dựng mô hình “Trường mầm non xanh – an toàn- thân thiện”.

4. Kế hoạch số 190/KH-TrMN ngày 24/9/2021, Kế hoạch xây dựng trường học an toàn phòng chống tai nạn, thương tích, đuối nước cho trẻ em giai đoạn 2021-2030.

PHẦN D. CAM KẾT

Tôi cam kết biện pháp nêu trên không sao chép hoặc vi phạm bản quyền; không sử dụng biện pháp đã được đề xuất để xét duyệt thành tích khen thưởng cá nhân trước đó;  các biện pháp đã triển khai thực hiện, minh chứng về kết quả, sự tiến bộ của trẻ em lớp 5 – 6 tuổi A2 là trung thực.

 

Hương Vỹ, ngày 22 tháng 02 năm 2022

GIÁO VIÊN

 

 

 

Nguyễn Thị Phương Thảo

 

 

 


Tác giả: Trường Mầm non Hương Vỹ
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tài nguyên Download